Những giải pháp mới, cách làm mới của TPHCM đang đúng hướng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi về vành đai chống dịch xung quanh TPHCM. |
Sáng 11/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 đã giao ban với TPHCM về công tác phòng chống dịch. Đầu cầu TPHCM có Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong,…
Sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và những giải pháp lớn mà Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và tập thể lãnh đạo TPHCM đã thống nhất cho thấy Thành phố đã đi đúng hướng. Tình hình mới cần có những giải pháp mới hoặc giải pháp cũ nhưng cách làm mới, theo đúng phương châm Rõ - Nghiêm - Chắc - Hiệu quả.
Ưu tiên lớn nhất lúc này là phải giữ đúng khoảng cách trong tất cả các hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm, tổ chức tiêm vaccine, sản xuất kinh doanh, chấm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021…
Tất cả các hoạt động phải bảo đảm giãn cách tối đa
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, qua kiểm tra công tác ngày 10/7, thành phố ghi nhận 1.403 ca mắc COVID-19, phần lớn ở các khu cách ly và phong tỏa. Thành phố chỉ đạo các quận, huyện tăng cường tuyên truyền về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và kiểm tra các quy định phòng, chống dịch. Thành phố khảo sát và đưa vào sử dụng các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, khu điều trị bệnh nhân nặng.
Thành phố cũng đã chỉ đạo cho các quận, huyện có kế hoạch cho công tác xét nghiệm theo tinh thần xét nghiệm ở những nơi có nguy cơ cao theo nguyên tắc rõ, nghiêm, hiệu quả; chuẩn bị 50.000 giường thu dung, điều trị COVID-19. Làm việc với các khu chế xuất, khu công nghệ trọng điểm trong việc phòng, chống dịch trên địa bàn, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp danh sách công nhân, người lao động (kể cả làm việc thời vụ) và có phương án xử lý khi phát hiện ca F0, F1; định kỳ xét nghiệm cho các đối tượng này.
Đồng ý với báo cáo của lãnh đạo TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đến giờ phút này TPHCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nghiêm, đi vào nề nếp rất nhanh, dù còn điểm này, điểm khác không thể tránh khỏi trên một địa bàn đông dân. Để thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 16, bên cạnh xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm, lực lượng chống dịch cần tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng, đầy đủ quy định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại mục tiêu lớn nhất là sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, TPHCM phải xác lập được những quận/huyện, phường/xã, những khu vực an toàn vững chắc, đẩy lùi dần “giặc COVID-19” vào những khu vực nhỏ, để phần lớn TPHCM cơ bản quay lại cuộc sống bình thường mới.
Lãnh đạo TPHCM cho biết vẫn bảo đảm đời sống, sinh hoạt hàng ngày cho người dân, đặc biệt là người nghèo. |
Đảm bảo hàng hóa thiết yếu, chăm lo cho người nghèo
Lượng hàng hoá tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích cơ bản đầy đủ, giá cả ổn định, một số địa điểm do hàng về chậm thành phố đã kịp thời tháo gỡ; hướng dẫn người dân mua hàng trực tuyến,…
Thành phố cũng tiến hành phân luồng riêng cho các phương tiện có giấy nhận diện “luồng xanh” ra vào thành phố. Tình hình ùn tắc giao thông tại các chốt cửa ngõ đã giảm mạnh. Lưu thông hàng hoá thuận lợi.
Về xe lưu động phục vụ người nghèo, cửa hàng 0 đồng, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cho biết: TP đã triển khai "Siêu thị mini 0 đồng", hoạt động như mô hình siêu thị, đảm bảo giãn cách; thí điểm chợ nghĩa tình online; tổ chức bán hàng lưu động bù vào số chợ truyền thống, chợ đầu mối tạm dừng hoạt động.
Về chăm lo cho người lao động không có hợp đồng lao động, thành phố đã hỗ trợ 45.000 người với kinh phí 10 tỷ đồng. Ước tính tổng kinh phí cho công tác này lên tới gần 900 tỷ đồng. Các địa phương vận động các nhà hảo tâm chăm lo cho người lao động nghèo khoảng 70 tỷ đồng;… Bên cạnh đó các bếp từ thiện, các hoạt động chăm lo cho người yếu thế do MTTQ và đoàn thể vẫn tiếp tục hoạt động.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh TPHCM đã tổ chức tốt hoạt động lưu thông, phân phối hàng hoá những ngày qua, điều chỉnh, xử lý kịp thời những bất cập, vướng mắc nảy sinh.
Kể cả những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ, TP cũng phải tiếp tục lưu ý như hướng dẫn người dân khi mua hàng làm sao để tránh lây nhiễm nếu thanh toán bằng tiền mặt.
Thành phố cần đặc biệt chăm lo đời sống người dân, nhất là người nghèo, người cơ nhỡ phải nhận được sự hỗ trợ thiết thực đến tận tay, không để ai thiếu bữa, bao gồm tạo điều kiện cho các điểm cung cấp suất ăn miễn phí cho người nghèo hoạt động an toàn.
Xét nghiệm phải nhanh nhưng rất chắc chắn
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho biết cho biết, Thành phố đã tập trung chấn chỉnh để đưa hoạt động xét nghiệm theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đi theo từng khu vực với các mức độ khác nhau (nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, "bình thường mới"). Cân đối khả năng xét nghiệm, lấy mẫu của các trung tâm đảm bảo ăn khớp, trả kết quả sớm. Tập trung chấn chỉnh từng khâu (lấy mẫu tận nhà, không chạy theo số lượng), các lực lượng khẩn trương lấy mẫu trường hợp F1 trong các khu phong tỏa và khu vực lân cận. Tổ chức các đội lấy mẫu lưu động... Trong 24 giờ qua, thành phố đã lấy 29.053 mẫu, trong đó, làm xét nghiệm nhanh là 16.086 mẫu, 2.221 mẫu đơn và 4.385 mẫu gộp Realtime RT-PCR.
Những ngày tới, TPHCM tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nhưng làm đến đâu chắc đến đấy, xác định những khu vực trọng điểm, nguy cơ tập trung F0 cao để hướng dẫn rất kỹ cho người dân.
Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM tập trung xét nghiệm theo các hướng chỉ điểm của hoạt động điều tra, phân tích dịch tễ cho đúng, cho trúng, có trọng tâm, trọng điểm. |
Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM tập trung xét nghiệm theo các hướng chỉ điểm của hoạt động điều tra, phân tích dịch tễ cho đúng, cho trúng, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời tập trung ưu tiên lực lượng đi xét nghiệm tại nhà những người thông báo có triệu chứng, người già yếu, có bệnh nền…
TPHCM cũng cần có mũi xét nghiệm sàng lọc ở những vùng, khu vực được đánh giá là tương đối an toàn để thiết lập những vùng an toàn vững chắc.
Trong điều trị, cách ly, lãnh đạo UBND TPHCM đề nghị Bộ Y tế xem xét điều chỉnh thời gian điều trị F0 tại các bệnh viện dã chiến; đánh giá việc thí điểm cách ly F1 tại nhà. Các KCN, doanh nghiệp tiếp tục rà soát toàn bộ danh sách công nhân để nắm bắt tình hình, kích hoạt các tổ an toàn COVID-19.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu các khu cách ly tập trung phải khắc phục ngay những bất cập, bất hợp lý, đảm bảo các yêu cầu cần thiết cho người tham gia cách ly tập trung, đặc biệt liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe, bữa ăn hàng ngày...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM khẩn trương đánh giá lại công tác theo dõi sức khỏe, điều trị F0 không có triệu chứng để có sự điều chỉnh phù hợp; tiếp tục triển khai cách ly F1 tại nhà bảo đảm an toàn.
Phó Thủ tướng cho biết ông nhận được nhiều phản ánh của người dân mong muốn được thăm hỏi y tế, hướng dẫn kịp thời (có thể qua điện thoại) đối với những trường hợp F1 cách ly tại nhà, những trường hợp F0 trong lúc chờ được đưa đi điều trị.
Về xử lý rác thải, TPHCM có 5 đơn vị được Bộ TN&MT cấp phép xử lý rác thải nguy hại, trong đó có rác thải y tế. Đây là vấn đề rất quan trọng, TPHCM đã có những kế hoạch cụ thể để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho lực lượng xử lý rác thải, vệ sinh môi trường của thành phố, trong đó có bộ phận xử lý rác thải liên quan đến y tế.
Phó Thủ tướng đánh giá cao TPHCM đã rất chú ý đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nói chung, trong đó có xử lý rác thải y tế. Thành phố cần tiếp tục chỉ đạo xử lý dứt điểm những phản ánh về bất cập liên quan đến công tác này.
Bảo đảm đầy đủ vật tư, trang thiết bị chống dịch
Để đảm bảo vật tư, trang thiết bị y tế cho các BV, UBND TPHCM đã thành lập Trung tâm mua sắm thiết bị phục vụ cho chiến dịch gồm 2 nguồn (xã hội hóa và ngân sách nhà nước). Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu UBND TPHCM đẩy nhanh hơn nữa để trung tâm mua sắm, đủ tư cách pháp nhân, thẩm quyền,… mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ chống dịch.
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo TPHCM bàn bạc, thống nhất tập thể để chỉ đạo việc bảo đảm vật tư, thiết bị y tế cho tất cả bệnh viện trên địa bàn không chỉ máy móc hiện đại mà cả những thứ đơn giản, trong nước đã sản xuất được và có sẵn như đồ bảo hộ, bình ô xy, máy hỗ trợ hô hấp đơn giản. “Không vì cơ chế tự chủ mà để các BV gặp khó khăn thủ tục mua sắm. Thành phố cần hỗ trợ để lực lượng y tế tập trung vào chuyên môn”, Phó Thủ tướng nói.
Về vaccine phòng COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Trung ương sẽ ưu tiên nguồn vaccine cho TPHCM, tuy nhiên Thành phố phải lập kế hoạch tổ chức tiêm rất chi tiết. Các điểm tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định, đặc biệt là bảo đảm khoảng cách, không được tập trung đông người.
Đối với công tác chấm thi, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết các cán bộ, giáo viên chấm thi đã được xét nghiệm, đảm bảo âm tính mới vào khu vực chấm thi, 3 ngày được xét nghiệm 1 lần. Giảm mật độ, đảm bảo giãn cách trong phòng chấm thi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu lớn nhất là phải thực hiện nghiêm các quy định giãn cách Chỉ thị 16, vì vậy, công tác chấm thi không chạy theo tiến độ, không áp lực về thời gian “an toàn trên hết”; tăng cường đội ngũ giám sát bảo đảm an toàn dịch tễ; các khâu liên quan đến trao nhận bài thi, kết quả thực hiện theo đúng quy trình;…
Sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Phó Thủ tướng đánh giá đến giờ phút này TPHCM cơ bản đã thực hiện nghiêm và có lòng tin nếu tiếp tục như vậy thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu sau 15 ngày Thành phố sẽ dồn được “giặc COVID-19” và một số điểm ít nhất có thể, nhỏ nhất có thể. Còn lại cơ bản sẽ trên địa bàn toàn thành phố sẽ trở về trạng thái bình thường mới.
Một lần nữa nhấn mạnh phương châm: "RÕ - NGHIÊM - CHẮC - HIỆU QUẢ', Phó Thủ tướng nêu rõ: “Tinh thần chúng ta đã thống nhất là rõ ràng mục tiêu, ưu tiên, giải pháp, người thực hiện, thời gian và giải thích với người dân cùng tham gia.
Thực hiện phải nghiêm, bất kể ai vi phạm, cơ quan nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm khắc.
Làm đến đâu chắc đến đấy, không chạy theo số lượng, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đến tận nhà xét nghiệm người có triệu chứng, người già, yếu có bệnh nền.
Cuối cùng hiệu quả là trên hết. Những hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế nếu chưa phù hợp với thực tiễn thì Thành phố mạnh dạn vừa làm, vừa điều chỉnh, đồng thời tổng hợp báo cáo cấp trên để kịp thời tháo gỡ,”./.