Loại cỏ dại ở Việt Nam được thế giới xem là siêu thực phẩm, Trung Quốc gọi là "rau trường thọ"
Rau sam rất giàu chất dinh dưỡng |
Rau sam dù được gọi là rau nhưng ở Việt Nam thường chỉ xem như rau dại, cỏ dại. Nó có sức sống vô cùng mãnh liệt, thường mọc đầy ở vườn, bờ ruộng hay ven đường, thậm chí có nơi dùng làm thức ăn cho gia súc.
Trong khi người Việt chỉ xem rau sam là cỏ dại thì ở nhiều nước trên thế giới, loại rau này được đánh giá cao và dùng khá phổ biến, còn được coi là vị thuốc quý, có thể dùng để điều trị nhiều bệnh thông thường và cả bệnh mãn tính.
Chẳng hạn ở Hà Lan, rau sam cũng được dùng khá nhiều trong các món ăn như món dưa chua, người Pháp cũng đặc biệt thích chế biến món rau này, ở Mỹ còn có món rau sam trộn dầu giấm. Người Trung Quốc xưa còn ví rau sam là "rau trường thọ". Rau sam đã được chứng minh có thể làm giảm bệnh tiểu đường và cải thiện bệnh hen suyễn.
Rau sam được xem là siêu thực phẩm
Rau sam rất giàu chất dinh dưỡng và được biết đến như một loại siêu thực phẩm. Nó là một trong những nguồn axit béo omega-3 thực vật phong phú nhất. Hầu hết mọi người dùng dầu cá để bổ sung omega-3 nhưng nó cũng chứa nhiều calo và cholesterol. Trong khi đó, rau sam không có cholesterol và rất ít calo, chỉ có 9 calo mỗi cốc. Nó cũng rất giàu vitamin A và C, cũng như kali, magiê, canxi, phốt pho và sắt.
Rau sam cũng rất giàu beta-carotene, được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể. Vitamin A là một chất chống oxy hóa mạnh hỗ trợ làn da khỏe mạnh, thị lực và chức năng thần kinh. Chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do, có thể gây viêm nhiễm và dẫn đến bệnh tật.
Ngoài ra, nó cũng rất giàu vitamin C, một chất chống oxy hóa quan trọng khác giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện sức khỏe của tim, giảm viêm và rất quan trọng để có sức khỏe tốt và làn da đẹp. Một khẩu phần khoảng 2 cốc rau sam cung cấp cho bạn khoảng 35% lượng vitamin C khuyến nghị hàng ngày.
Rau sam rất dễ ăn vì toàn bộ cây đều có thể ăn được, bạn có thể ăn sống hoặc chín tùy sở thích. Rau sam sống có vị mặn và hơi chua, ăn hơi giòn, giống như dưa chuột nên thích hợp cho vào món salad hoặc có thể thêm vào các món súp.
Rau sam được Trung Quốc gọi là rau trường thọ
Hầu như tất cả các bộ phận của rau sam đều có thể được sử dụng làm thuốc, bao gồm thân, lá, hoa, chồi, hạt và nhựa cây. Trong thời Đế chế La Mã, rau sam được sử dụng như một phương thuốc chữa đau đầu, viêm nhiễm, rối loạn bàng quang, kiết lỵ và bệnh trĩ.
Trong y học Ayurveda, hệ thống y học cổ truyền của Ấn Độ, rau sam được sử dụng để điều trị chứng khó tiêu, loét, phù nề, bệnh về mắt và hen suyễn. Ở Trung Đông, nó cũng được sử dụng để ngăn ngừa bệnh còi, đẩy lùi giun, hạ sốt và điều trị các bệnh ngoài da.
Do đặc tính chữa bệnh phong phú của nó, rau sam có nhiều ứng dụng trong y học, một số ứng dụng được liệt kê dưới đây:
Chất thanh lọc: Được sử dụng để thanh lọc hoặc làm sạch cơ thể.
Thuốc bổ tim: Tăng hiệu quả và khả năng co bóp của tim, từ đó cải thiện lưu lượng máu đến tất cả các bộ phận của cơ thể.
Chất làm mềm da: Làm mềm, làm dịu và giữ ẩm cho da.
Thuốc giãn cơ: Thư giãn cơ bắp và giúp giảm co thắt cơ.
Chống viêm: Giảm sự xuất hiện của chứng viêm trong cơ thể.
Thuốc lợi tiểu: Giúp bài tiết một phần chất thải qua nước tiểu để giúp lọc sạch cơ thể
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, rau sam được sử dụng như một loại thuốc thảo dược và được gọi là "rau trường thọ". Nó thuộc loại dược liệu thanh nhiệt giải độc, mát máu, thông ruột. Do tính mát nên rau sam rất tốt để làm mát và trục xuất độc chất ra khỏi cơ thể. Đồng thời nó cũng có tính axit rất cao, có nghĩa là nó có đặc tính làm se và có thể hút ẩm cho cơ thể, đó là lý do tại sao rau sam là một phương thuốc phổ biến cho bệnh tiêu chảy và tăng tiết mồ hôi.
Công dụng của rau sam
Không chỉ là loại thực phẩm ngon mà rau sam còn có nhiều công dụng khác tốt cho sức khoẻ được nhiều người tin dùng. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, rau sam được xem như “một vị thuốc trường thọ” có tác dụng chữa bệnh.
Thanh nhiệt, giải độc và hỗ trợ hệ tiêu hoá
Theo Bác sĩ Yên Lâm Phúc của Học viện quân y, rau sam có tính hàn, vị chua, hơi đắng nhẹ và không độc nên được sử dụng giải độc, thanh nhiệt cơ thể. Bên cạnh đó, theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội, rau sam còn giúp kích thích hệ tiêu hoá, dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn và giảm đi các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, trướng bụng.
Tác dụng bảo vệ thần kinh
Các nghiên cứu thí nghiệm đã cho thấy rằng, rau sam có tác dụng tăng cường trí nhớ và cải thiện mức độ tập trung nhờ vào thành phần DOPA và Dopamine có trong rau sam.
Bên cạnh đó, dược liệu này còn có tác dụng bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương do thiếu oxy và được xem là một vị thuốc giúp hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer - chứng bệnh suy giảm trí nhớ ở người già gây ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt hàng ngày như trí nhớ, hoạt động ngôn ngữ và tư duy của người bệnh.
Tốt cho da, cơ và xương
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ, rau sam có chứa rất nhiều các thành phần dinh dưỡng có lợi cho cơ thể như: Canxi, sắt, magie, natri, kali, axit folic, vitamin A, vitamin C,... Do đó, rau sam rất tốt cho da, cơ và và xương phát triển tốt.
Không chỉ vậy, hàm lượng canxi cao có trong rau sam giúp hỗ trợ xương chắc khỏe hơn. Ngoài ra, vitamin E và chất glutathione có trong rau sam còn giúp bảo vệ màng tế bào và tránh khỏi các tác nhân gây hại.
Tốt cho tim mạch
Các nhà Dược học Pháp cũng cho thấy rằng rau sam có tác dụng bảo vệ mạch máu, giảm hàm lượng cholesterol xấu, tăng cường hệ miễn dịch và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhờ vào thành phần betalain, magie và omega 3 có trong rau sam.
Không chỉ vậy, Dược thư cổ của Anh cũng chỉ ra rằng rau sam giúp hỗ trợ trị đái tháo đường loại 2.
Tác dụng chống ung thư
Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu trên tế bào còn cho thấy rằng rau sam có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, kháng khuẩn bảo vệ dạ dày nhờ vào các hợp chất polysacarit, cerebroside, homoisoflavonoid, và alkaloid có trong rau sam.
Một số lưu ý khi sử dụng rau sam
Rau sam tuy có nhiều lợi ích cho sức khoẻ nhưng nếu không sử dụng đúng cách cũng sẽ gây ra một số ảnh hưởng không tốt. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng rau sam:
Rau sam có tính hàn nên phụ nữ mang thai nên hoặc cho con bú nên tránh sử dụng vì có nguy cơ dẫn đến sảy thai hoặc gây ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi.
Không đun nấu rau sam quá kỹ khi chế biến sẽ khiến rau bị mất đi các chất dinh dưỡng
Những người bị tiêu chảy nặng, cấp tính không nên dùng rau sam hoặc nếu có thì nên kết hợp thêm các loại thuốc có vị cay, ấm
Trong rau sam có chứa 2 thành phần nitrate và oxalate nên những người có tiền sử bệnh sỏi thận nên tránh sử dụng vì có thể khiến bệnh nặng hơn.