Chủ tịch Quốc hội 'bắt mạch, bốc thuốc' dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Chất lượng được cải thiện cơ bản
Tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi nghe trình bày Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), phát biểu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cố gắng của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra từ sau Kỳ họp thứ 4 đến nay, trong thời gian rất ngắn đã có sự nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc với nhiều nội dung, chất lượng được cải thiện cơ bản.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến tối đa để tiếp thu, chỉnh lý để có thể bảo đảm điều kiện trình được tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội tới đây.
Chủ tịch Quốc hội cũng làm rõ, tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội và Chính phủ thống nhất chưa xem xét thông qua Luật thể hiện sự thận trọng với mong muốn có được dự luật đảm bảo được yêu cầu thực tiễn trước mắt và lâu dài, mang tính khả thi, vừa gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành y tế hiện nay và tạo điều kiện phát triển lâu dài.
Nhấn mạnh vai trò trụ cột của lĩnh vực y tế, khẳng định ý nghĩa của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra giúp cho Chính phủ, giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cùng với các cấp, các ngành, các bộ có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cùng đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật tập trung cao độ từ nay đến khi trình Quốc hội.
Thẩm tra đọc kỹ từng điều, luận kỹ từng điều, không bàn chung về chính sách, nguyên tắc
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đã rà soát các điều khoản cụ thể để góp ý kiến hoàn thiện các quy định, cùng với đó đặt ra các vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu để có cách thức quy định phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến giai đoạn này cần rà soát kỹ lưỡng từng điều khoản, không thể bàn chung về chính sách, nguyên tắc, do đó, cơ quan thẩm tra cần đọc kỹ từng điều, luận kỹ từng điều.
Người chịu trách nhiệm về chuyên môn cơ sở khám bệnh chữa bệnh là ai?
Cụ thể, tại Chương 1 về các quy định chung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại quy định về giải thích từ ngữ về "người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" bởi quy định này còn chung chung nên thực tế sẽ rất khó thực hiện và sẽ không truy được trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý có nên quy định rõ người chịu trách nghiệm chuyên môn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là ai có được không? Là giám đốc hay Chủ tịch hội đồng quản lý?
Định nghĩa còn mù mờ, đừng đi lo thay cho cán bộ y tế nâng cao năng lực
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ định nghĩa về “cập nhật kiến thức y khoa liên tục” trong dự thảo Luật vẫn còn mù mờ. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề “đừng đi lo thay cho cán bộ y tế nâng cao năng lực”, bởi vì bác sĩ, lái xe, kiểm toán viên, phi công không phải tính thâm niên bằng bao nhiêu năm tốt nghiệp mà thực tế được sử dụng khi hành nghề.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng phi công không nói 20 năm kinh nghiệm mà là bao nhiêu giờ bay. Lái xe cũng không nói thâm niên 30 năm làm nghề lái xe, mà nói là bao nhiêu kilomet cầm vô lăng, bao nhiêu kilomet an toàn. Tương tự, kiểm toán viên phải tự nâng cao năng lực. Bác sĩ ngoại khoa thì phải mổ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết nội dung về cập nhật kiến thức y khoa liên tục cũng liên quan đến việc cấp mới, cấp lại chứng chỉ hành nghề, vai trò của quản lý nhà nước, vai trò của tổ chức nghề nghiệp.
Từ kinh nghiệm của Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết trước đây đối với kiểm toán viên Bộ Tài chính làm hết từ tổ chức thi, thành lập hội đồng thi, chấm thi, cấp chứng chỉ…
Thì từ ngày sửa luật đã giao hết cho tổ chức nghề nghiệp, củng cố các tổ chức nghề nghiệp như Hiệp hội kế toán, kiểm toán để thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề. Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong lĩnh vực y tế cũng nên như thế.
Các đại biểu tham dự phiên họp |
Phải làm rõ quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh gồm những việc gì?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục chỉ rõ, dự thảo Luật còn thiếu nội dung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, phải có định nghĩa quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh gồm những việc gì, quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vấn đề này.
Từ đó phân định Bộ Y tế, từng bộ, ngành chịu trách nhiệm giúp Chính phủ phụ trách lĩnh vực, thực hiện một số nhiệm vụ.
"Đây là cơ sở để rành mạch trách nhiệm, quyền hạn, cơ sở cho thanh tra, kiểm tra, kiểm toán", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bố cục quy định về vấn đề hành nghề chưa hợp lý
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ Điều 21 và các Điều từ 28 đến 34 đều liên quan đến vấn đề hành nghề nhưng lại không được xếp cùng nhau.
Cụ thể, Điều 21 quy định về giấy phép hành nghề, thẩm quyền cấp mới, gia hạn. Đến Khoản 2 Điều 23 lại có quy định về việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện. Đến Điều 24 mới quy định Hội đồng Y khoa quốc gia là gì.
Bắt đầu từ Điều 21 đang nói đến giấy phép hành nghề, sau đó đến Điều 28 mới quy định thừa nhận giấy phép hành nghề. Điều 29 quy định cấp mới giấy phép hành nghề. Điều 30 quy định cấp lại giấy phép hành nghề.
Điều 31 về gia hạn giấy phép hành nghề. Điều 32 về điều chỉnh giấy phép hành nghề. Điều 33 về đình chỉ hành nghề. Điều 34 về thu hồi giấy phép hành nghề.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng bố cục như dự thảo liên quan đến nhóm điều luật này chưa hợp lý và đề nghị cần rà soát lại.
Đã cấp giấy phép là hành nghề vĩnh viễn
Đi vào nội dung cụ thể của các điều khoản, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn với quy định tại Điều 21 khoản 3 "Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp mới, cấp lại, gia hạn và điều chỉnh".
Từ kinh nghiệm trong ngành kế toán, kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ đã cấp giấy phép là hành nghề vĩnh viễn, trừ trường hợp bị tước giấy phép hành nghề.
Theo ông, "ở đây dự thảo Luật vừa đưa ra thời hạn lại vừa có chuyện tước giấy phép hành nghề. Điều này không phù hợp về logic và cũng không phù hợp về nghề nghiệp".
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề cũng cần tiếp tục rà soát lại để tránh bất cập trong thực tiễn.
Cùng với đó vấn đề giấy phép hành nghề của nước ngoài vào Việt Nam cũng việc lớn cần phải giải quyết.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để có giải trình làm rõ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc chữa bệnh cứu người liên quan đến tính mạng, sức khỏe người dân phải hết sức kỹ lưỡng, hết sức thận trọng, đồng thời cũng phải đúng quy luật khách quan và phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Phải quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia
Về việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý phải quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia, làm rõ mô hình, quy định về việc thành lập, ai thành lập…
"Một tổ chức quyết định sinh mạng có đến hàng vạn người thì việc hành nghề về lĩnh vực không thể quy định mù mờ được. Không thể đưa vào một quy định mà không rõ rồi bắt tương lai phải theo", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tham gia vào việc đánh giá năng lực, việc cấp giấy phép hành nghề cần được quy định rõ trong dự thảo Luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Với đặc thù của ngành y nếu cần thiết thì vẫn là Nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng đưa ra luận cứ để đánh giá nên giao cho Hội nghề nghiệp làm.
Rà soát lại quy định về từ chối khám bệnh, chữa bệnh
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại quy định về từ chối khám bệnh và chữa bệnh để tránh vi phạm quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân theo quy định của Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên có quy định các giải pháp nâng cao năng lực phòng vệ, phòng ngừa đến mức độ nào và theo cách như thế nào thì được quyền từ chối khám, chữa bệnh và quyền từ chối này là ai quyết định…
Về các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Chương 10 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh vẫn là vấn đề lớn.
Vấn đề quan tâm nhất là khái niệm về cấp chuyên môn kỹ thuật và mối quan hệ giữa các cấp, cách thức đảm bảo điều kiện hoạt động của các cấp này hiện dự thảo Luật quy định chưa rõ cần được tiếp tục rà soát, làm rõ.
Toàn cảnh phiên họp |
Các quy định về điều kiện đảm bảo tài chính còn lúng túng
Về các điều kiện đảm bảo về tài chính, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ nội dung này trong dự thảo Luật còn lúng túng.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng nội dung này nên quy định thuần túy về tự chủ tài chính, luật hóa một số quy định của Nghị định 60.
Về vấn đề tài chính, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại Điều 118 dự thảo Luật, nên quy định theo hướng tự chủ hoàn toàn về tài chính tức là cả chi thường xuyên, chi đầu tư. Tự chủ được chi thường xuyên thì được thực hiện các tự chủ khác về tổ chức bộ máy nhân sự theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định thêm cơ quan nào đã tự chủ hoàn toàn về tài chính thì phải thực hiện kế toán và kiểm toán, công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.
Giao Chính phủ quy định về xã hội hóa, bảo đảm minh bạch và bảo vệ các thầy thuốc yên tâm làm việc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng ghi nhận các nội dung về xã hội hóa được quy định trong dự thảo luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội "các quy định tiến bộ hơn". Ông cũng nhất trí với đề xuất giao Chính phủ quy định vấn đề này trong Nghị định của Chính phủ để bảo đảm minh bạch và để bảo vệ cho các thầy thuốc, cho các cơ sở khám, chữa bệnh yên tâm làm việc.
Cần quy định về lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế
Về giá dịch vụ khám bệnh và chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên tập trung một số vấn đề lớn, trong đó đặc biệt cân nhắc khi quy định về giá trị vô hình của thương hiệu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên tiếp cận theo hướng, quy định giá dịch vụ y gồm những gì; phải tính đúng tính đủ; nhà nước, cụ thể là Chính phủ hay Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đối với các dịch vụ về khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm hiện nay mệnh giá y tế của nước ta quá thấp nhưng nếu nâng mức này lên sẽ liên quan đến khả năng chi trả của người dân và khả năng chi trả của Nhà nước. Bởi vì một phần tỷ lệ rất lớn bảo hiểm y tế là Nhà nước hỗ trợ. Vì thế cần phải có lộ trình thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm tính đúng, tính đủ.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng lộ trình này nên quy định trong luật. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đã quy định thì phải thực hiện mà muốn thực hiện thì phải có tài chính đính kèm, tức là phải bố trí để tăng mệnh giá bảo hiểm y tế lên và tính toán khả năng đồng chi trả của người dân theo khả năng phát triển của nền kinh tế.
Về tổng thể, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cho rằng dự thảo Luật có thể trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp gần nhất. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan cần tiếp tục rà soát giải quyết được trước mắt và lâu dài./.