Cây đơn buốt mọc hoang - Vị thuốc nam chữa "bách bệnh"
Một số cây thuốc dân gian có tác dụng hỗ trợ chữa nhiệt miệng Cây lá đắng là cây gì mà có tác dụng điều trị nhiều bệnh Chùm ruột - loại cây dân dã có công dụng chữa bệnh tuyệt vời |
Cây đơn buốt thuộc họ cúc Asteraceae, có tên khoa học là Bidens pilosa L. Cây mọc hàng năm thành bụi với chiều cao 0,4-1m hoặc hơn. Cả thân và cành cây chắc, nhẵn, có các rãnh chạy dọc và có lông.
Trong dân gian, cây đơn buốt được sử dụng điều trị với hơn 40 bệnh khác nhau liên quan tới rối loạn tiêu hóa, rối loạn miễn dịch, bệnh truyền nhiễm, hội chứng chuyển hóa, bệnh ung thư, vết thương,…
Dân gian sử dụng 2 loài đơn buốt:
Đơn buốt 3 lá: còn có tên là đơn kim, cúc áo, rau bộ binh. Đông y Trung Quốc gọi là hoàng hoa thảo. Lá mọc đối, cuống dài, phiến lá kép gồm 3 lá chét. Lá chét hình mác, phía đáy hơi tròn, cuống ngắn, mép lá chét có răng cưa to thô. Cụm hoa hình đầu, màu vàng, mọc đơn độc hay từng đôi một ở nách lá hay đầu cành. Quả bế hình thoi, 3 cạnh, không đều, dài 1cm, trên có rãnh chạy dọc.
Đơn buốt 3 lá vị ngọt nhạt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán ứ, tiêu thũng. Dùng chữa cảm, cúm, viêm họng, vàng da, viêm ruột, kiết lỵ, trẻ nhỏ kinh phong, cam tích, viêm loét mẩn ngứa.
Đơn buốt 5 lá: cụm hoa cũng hình đầu, màu vàng, chỉ khác đơn buốt 3 lá chét ở chỗ số lá kép nhiều hơn
Đơn buốt 5 lá vị đắng, tính bình, không độc; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán ứ, tiêu thũng. Dùng chữa sốt rét, viêm họng, yết hầu sưng đau, viêm gan, viêm thận cấp, đau dạ dày, nghẹn, nấc, viêm ruột, tiêu chảy, chấn thương, rắn và côn trùng cắn.
Theo đông y, vị thuốc đơn buốt có vị đắng, tính bình không độc thường được bào chế dưới dạng thuốc sắc, nước sắc, bột khô hoặc cồn thuốc. Dạng bột khô hoặc dạng cồn để sử dụng bên ngoài và dạng thuốc sắc, dạng bột để dùng uống chữa bệnh bên trong. Liều lượng khi dùng bên ngoài có thể sử dụng mọi liều lượng bất kỳ, còn dùng ở dạng uống với dạng thuốc sắc là 4 – 16g.
Một số bài thuốc đông y từ cây đơn buốt:
- Chữa viêm họng cấp tính: Đơn buốt 3 lá 60-90g giã nát, lọc lấy nước cốt chia 3 phần uống trong ngày. Khi uống có thể cho thêm 1 thìa cà phê mật ong.
- Chữa đau nửa đầu: Đơn buốt 5 lá 60g, đại táo 6g, sắc nước uống trong ngày.
- Chữa cảm tả, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn: Đơn buốt 3 lá 120g, sắc nước uống hoặc đơn buốt ba lá 60g giã nát, lọc lấy nước pha thêm một chút muối nhạt, uống ấm.
- Hỗ trợ điều trị đau nhức do phong thấp, vàng da do thấp nhiệt: Đơn buốt 5 lá 90g, đại táo 120g, nước vừa đủ, nấu nhỏ lửa. Chia uống trong ngày.
- Chữa đại, tiểu tiện xuất huyết: Đơn buốt 5 lá 30g, sắc nước uống.
- Chữa lỵ: Ngọn non đơn buốt 5 lá 30g, sắc nước uống ngày 3 lần.
- Chữa mẩn ngứa: Đơn buốt 3 lá 200-300g, nấu nước tắm.
- Giảm đau răng: Đơn buốt ba lá 50g, ngâm với 250ml rượu trắng, xúc miệng, ngậm trong miệng một lúc rồi bỏ.
Cây đơn buốt được ứng dụng rất nhiều trong y học dân gian ở các nước để làm giảm đau, thanh nhiệt, giải độc, vết thương sưng đau, bệnh ngoài da mẩn ngứa nóng đỏ, rắn cắn hoặc sâu bọ cắn... Cũng như các dược liệu khác, quý độc giả cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng điều trị để mang lại hiệu quả cao nhất.
Cây lá gai - Vị thuốc dân dã quen thuộc trong Đông y |
Cây cốt khí - vị thuốc quý chữa đau khớp hiệu quả |
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây mần tưới |