Từ vụ giá đỗ ngâm hóa chất: Đâu là giải pháp bền vững?
Bách Hoá Xanh đã thông báo sẽ hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm khác cho các khách hàng cung cấp hóa đơn (giấy hoặc điện tử) ghi nhận mua giá đỗ Lâm Đạo. |
Như báo chí đã phản ánh, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2024 đã phát hiện nhóm đối tượng của 6 cơ sở đã bán ra thị trường 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày 8-10 tấn. Số giá đỗ được bán chủ yếu cho chợ đầu mối Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) để phân phối lại khắp tỉnh.
Trong đó, có một cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoạt chất trên có tên Lâm Đạo khai nhận đã ký hợp đồng cung cấp giá đỗ cho chuỗi Bách Hoá Xanh với số lượng từ 350 – 400 kg/ngày. Trên bao bì sản phẩm, các cơ sở còn dán nhãn "không hóa chất", "vì sức khỏe mọi người".
Theo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk, hoạt chất 6-Benzylaminopurine không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Trường hợp tiếp xúc ngoài da cũng rất nguy hiểm, có thể gây viêm da, hoặc văng vào mắt có thể gây viêm kết giác mạc. Nếu ăn nhiều có thể gây ngộ độc, tử vong.
Ngày 28/12, Bách Hoá Xanh thông báo hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm khác cho các khách hàng cung cấp hóa đơn (giấy hoặc điện tử) ghi nhận mua giá đỗ Lâm Đạo. Nếu mất hóa đơn giấy, khách hàng có thể tìm thông tin hóa đơn điện tử lưu trên lịch sử tại app mua hàng của chuỗi. Chuỗi Bách Hoá Xanh cho biết sản phẩm của Lâm Đạo, theo chuỗi, chiếm 2% tổng lượng giá đỗ bán ra của họ.
Từ vụ giá đỗ ngâm hóa chất, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đặt ra những tiêu chuẩn kiểm duyệt vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ. Đặc biệt, trong chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống. Đây không chỉ là bài học cho các nhà sản xuất mà còn là cơ hội để các nhà bán lẻ, đặc biệt trong lĩnh vực bách hóa và siêu thị, cải thiện quy trình kiểm tra và đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Walmart – Bài học từ tiêu chuẩn kiểm soát khắt khe
Chương trình An toàn Thực phẩm của Walmart yêu cầu tất cả nhà cung cấp thực phẩm phải trải qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt. |
Theo kinh nghiệm tại hệ thống bán lẻ bách hóa lớn nhất nước Mỹ - Walmart với thị phần 25% gồm 4.800 đại siêu thị, 670 siêu thị tính đến năm 2024. Hệ thống này rất thành công nhờ việc kiểm soát tốt các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm do chính chuỗi thiết lập. Điều này đã chứng minh rõ ràng cho thấy kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định thành công.
Chương trình An toàn Thực phẩm của Walmart yêu cầu tất cả nhà cung cấp thực phẩm phải trải qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt khi đăng ký lần đầu và tái kiểm tra hằng năm. Quy trình này không chỉ dừng ở việc kiểm tra giấy tờ mà còn bao gồm các cuộc kiểm toán độc lập từ bên thứ ba, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm luôn được tuân thủ.
Đơn vị kiểm toán, đánh giá do Walmart thuê sẽ trực tiếp thực hiện các cuộc kiểm toán, kiểm tra và thử nghiệm bắt buộc theo chính sách của Walmart và cung cấp kết quả cho Walmart, cộng tác với Walmart để giải quyết vấn đề. Tùy thuộc vào sản phẩm, nhà cung cấp có thể được yêu cầu thực hiện kết hợp các cuộc kiểm tra sau: An toàn thực phẩm; An Toàn Sản Phẩm Hàng Hóa Tổng Hợp; Sức khỏe & Sức khỏe An toàn sản phẩm; Tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm; An ninh chuỗi cung ứng.
Câu chuyện của Nutifood khi trở thành nhà cung cấp cho Walmart là một ví dụ điển hình. Nutifood đã phải đáp ứng ba bộ tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, từ trách nhiệm xã hội, an ninh hàng hóa đến an toàn thực phẩm. Trong đó, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội phải do những tổ chức quốc tế do Walmart phê duyệt như Bureau Veritas, SGS, Intertek. Walmart không áp dụng ngoại lệ cho bất cứ công ty nào, dù là công ty đã có "visa" vào thị trường Mỹ.
Việc không đáp ứng đủ chuẩn của Walmart sẽ khiến các nhãn hàng bị loại bỏ khỏi kệ hàng sau đợt kiểm duyệt hằng năm và được thông báo đầy đủ trên website của chuỗi. Chính sự nghiêm ngặt này không chỉ bảo vệ danh tiếng của Walmart mà còn duy trì niềm tin vững chắc từ khách hàng. Đây là mô hình đáng để các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam học hỏi.
Một ví dụ về việc kiểm soát chặt các sản phẩm liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm của Walmart vào tháng 11/2024 vừa qua như Braga Fresh đang tự nguyện thu hồi một sản phẩm duy nhất — túi 12 ounce bông cải xanh Marketside đã rửa sạch và sẵn sàng để ăn — được bán tại các cửa hàng Walmart ở 20 tiểu bang trên cả nước, theo thông báo được đăng trên trang web của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm vào ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Việc thu hồi được tiến hành sau khi một mẫu ngẫu nhiên do Texas Health & Human Services thu thập định kỳ từ một cửa hàng Walmart ở Texas có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Listeria. Vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, người già và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Phụ nữ mang thai có thể bị sảy thai và thai chết lưu.
Cần một hệ thống kiểm nghiệm độc lập
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng và chính xác không chỉ giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng mà còn tạo sự minh bạch, củng cố niềm tin từ khách hàng. |
Qua thành công của Walmart và nhìn lại việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong ngành bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Các chuỗi bán lẻ như Bách Hóa Xanh chủ yếu dựa vào giấy chứng nhận từ nhà cung cấp mà thiếu đi quy trình kiểm nghiệm độc lập. Điều này tạo ra những lỗ hổng lớn, đặc biệt khi các nhà cung cấp không trung thực hoặc hệ thống quản lý tại địa phương không đủ minh bạch.
Hơn nữa, việc chưa đầu tư mạnh vào công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm khiến các chuỗi bán lẻ gặp khó khăn khi xảy ra sự cố. Sự chậm trễ trong việc xác định nguyên nhân và nguồn gốc vấn đề thường dẫn đến mất niềm tin từ phía người tiêu dùng, kéo theo những tổn thất không thể đo lường về doanh thu và uy tín thương hiệu. Ngoài ra, sự thiếu minh bạch trong quản lý tại một số địa phương cũng khiến quy trình kiểm soát dễ bị lạm dụng.
Để khắc phục những lỗ hổng này, các chuyên gia đề xuất rằng các chuỗi bán lẻ Việt Nam cần xây dựng trung tâm kiểm nghiệm độc lập với đầu vào sàng lọc sản phẩm kỹ lưỡng và chặt chẽ, tránh lỗ hổng từ chính nhà cung cấp/nhân viên/bộ phân kiểm nghiệm địa phương. Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý chuỗi cung ứng cũng là một giải pháp cần thiết. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng và chính xác không chỉ giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng mà còn tạo sự minh bạch, củng cố niềm tin từ khách hàng.