Thanh Hóa: Thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm rác thải biển
Theo thống kê của Liên Hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất, kéo theo khoảng 6,3 tỷ tấn rác từ nhựa thải ra môi trường; mỗi phút có khoảng 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, mỗi năm cả thế giới có khoảng 300 triệu tấn rác từ nhựa thải ra môi trường (trong đó, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn), lượng rác này đủ để bao quanh trái đất gần 4 lần. Việc thu gom và xử lý rác thải nhựa đang là vấn đề rất nan giải, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cho đến nay chưa có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.
Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện đang nỗ lực để giảm thiểu ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Kể từ năm 2018, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách mạnh mẽ để hạn chế rác thải nhựa và chấm dứt dùng đồ nhựa một lần. Đến nay, đã hơn 4 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào chống rác thải nhựa, trong đó đề ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.
Đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia dọn rác |
Xuất phát từ thực tế nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 4/12/2018 về thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của rác thải nhựa, giảm thiểu sử dụng túi ni lông và đồ nhựa một lần, thay bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tiếp đó ngày 16/3/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động số 76/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Với mục tiêu chung, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa ra biển từ các nguồn thải trên đất liền và từ các nguồn thải trên biển, phấn đấu giảm thiểu rác thải nhựa trên vùng biển thuộc quản lý của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành; ứng xử và thói quen các tổ chức và cá nhân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế dần việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; thu gom 50% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 50% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy...
Đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển; thu gom 75% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi biển; duy trì không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại khu bảo tồn biển Hòn Mê. Quan trắc hàng năm hiện trạng rác thải nhựa trên biển tại 6 cửa sông, gồm: Lạch Bạng, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Sung, Lạch Ghép và Lạch Càn.
Phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức ra quân thu gom |
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày người dân thải ra môi trường khoảng 345 tấn rác thải từ nhựa (tương đương 0,1kg/người). Lượng chất thải này ngày càng khó kiểm soát, có chiều hướng gia tăng theo sự phát triển của du lịch, công nghiệp, trao đổi hàng hóa, phát sinh từ hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển...
Để góp phần hạn chế tình trạng trên, cùng với việc triển khai kế hoạch hành động của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, như: Phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức ra quân thu gom, phân loại rác thải trên bờ biển, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên biển, hải đảo; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa tại các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển; tổ chức nhiều mô hình thu gom, phân loại, giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè”, chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, “Chung tay vì môi trường biển không rác thải nhựa”, hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...
Bên cạnh đó, các địa phương ven biển đã tổ chức dọn vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải khu vực dọc bờ biển định kỳ hàng tháng với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.