Rau muống giúp phòng chống bệnh thiếu máu
Rau muốn là loại rau khá phổ biến của người dân Việt, người xưa có câu ca dao :
"Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương".
Qua câu ca dao có thể thấy mỗi khi xa quê hình ảnh đi vào trí nhớ của người xa xứ chính là hình ảnh đĩa rau muống. Rau muống không chỉ đi vào thi ca, mà trong đời thực rau muống còn là một loại rau rất tốt cho sức khoẻ, rau muống được sử dụng thường xuyên trong các bữa ăn của người Việt.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về tác dụng cũng như cách sử dụng rau muống sao cho hợp lý để tốt nhất cho sức khoẻ.
Đặc điểm của rau muống
Rau muống trắng |
Cây rau muống mọc bò, ở mặt nước hoặc trên cạn. Thân rỗng, dày, có rễ mắt, thường không có lông vào mùa nóng, và có lông vào mùa lạnh. Lá hình ba cạnh, đầu nhọn, đôi khi hẹp và dài. Hoa to, có màu trắng hay hồng tím, ống hoa tím nhạt, mọc từng 1-2 hoa trên một cuống. Quả nang tròn, đường kính 7-9 mm, chứa 4 hạt có lông màu hung, đường kính mỗi hạt khoảng 4 mm.
Tại Việt Nam, có 2 loại rau muống là rau muống trắng và rau muống tía.
Rau muống trắng: Kích thước của loại rau muống này nhỏ và thường được gieo trồng theo luống đất, không cần tưới nhiều nước. Loại rau muống này thường được xào, luộc cùng các nguyên liệu khác vừa đầy đủ dinh dưỡng vừa thơm ngon.
Rau muống tía: Loại rau muống này có thân màu đỏ, kích thước to hơn và trông rất mọng nước. Chúng thường được trồng hoặc mọc tự nhiên tại những nơi có nhiều nước, độ ẩm cao. Loài này còn được gọi là rau muống đồng, rau muống ruộng hoặc rau muống đỏ.
Rau muống tía |
Thành phần hoá học
Rau muống có 92% nước, 3,2% protit, 2,5% gluxit, 1% xenluloza, 1,3% tro. Hàm lượng muối khoáng rất cao: trong đó có khoảng 100 mg% calci, 37 mg% phosphor, 1,4 mg% sắt. Các vitamin gồm có 2,9% caroten, 23 mg% vitamin C, 0,10 mg% vitamin B1, 0,7% vitamin PP, 0,09 mg% vitamin B2. Ngoài ra rau muống còn chứa nhiều chất nhầy.
Tác dụng của rau muống
Theo y học cổ truyền, khi ăn rau muống có thể phòng và chống một số bệnh như:
Giúp giảm cholesterol: Rau muống là lựa chọn tuyệt vời cho người muốn giảm cân và hạ cholesterol một cách tự nhiên.
Nghiên cứu đã chỉ ra rau muống có thể làm giảm cholesterol cũng như Triglycoside (3 loại acid béo gồm chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa hoặc cả hai ở trong dầu ăn, mỡ động vật).
Giúp điều trị bệnh vàng da và các bệnh về gan: Trong y học cổ truyền Vệ Đà của Ấn Độ từ hàng ngàn năm qua, rau muống đã được sử dụng để điều trị bệnh vàng da và các bệnh về gan.
Giúp phòng chống bệnh thiếu máu: Do giàu sắt, lá rau muống non cực kỳ có lợi cho người bị thiếu máu và phụ nữ mang thai. Sắt là vi lượng thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt đây là thành phần tạo nên các tế bào hồng cầu trong máu.
Giúp điều trị bệnh khó tiêu, táo bón: Rau muống rất giàu chất xơ và chứa nhiều nước, do vậy, đây là thực phẩm giúp bạn giảm các chứng rối loạn tiêu hóa một cách tự nhiên. Nhờ đặc tính nhuận tràng, món ăn từ rau muống và nước rau muống luộc có lợi cho người bị táo bón và khó tiêu.
Giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường: Nghiên cứu đã chứng minh ăn rau muống thường xuyên tăng cường khả năng chống lại stress oxy hóa dẫn đến tiểu đường.
Trong y học cổ truyền, rau muống cũng là món ăn giúp ngăn ngừa và giảm nhẹ tiểu đường thai kỳ ở phụ nữ mang thai.
Ăn rau muống giúp phòng chống bệnh thiếu máu |
Giúp tốt cho tim mạch: Rau muống chứa hàm lượng vitamin A, vitamin C và beta-carotene cao. Đây là những chất chống oxy hóa giảm các gốc tự do trong cơ thể, nhờ đó ngăn ngừa cholesterol bị oxy hóa. Nhờ công dụng chống oxy hóa, rau muống có thể ngăn ngừa các biến chứng tim mạch.
Folate trong rau muống giúp chuyển hóa homocysteine - loại chất tiềm ẩn nguy hiểm có thể dẫn đến đau tim hay đột quỵ. Vì vậy, rau muống là món ăn tuyệt vời giúp bạn bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, ma giê trong rau muống có công dụng hạ huyết áp một cách tự nhiên. Do đó, người huyết áp cao nên ăn rau muống để có một trái tim khỏe mạnh.
Giúp phòng ngừa bệnh ung thư: Chứa 13 loại hợp chất chống oxy hóa khác nhau, rau muống là món ăn hoàn hảo trong chế độ ăn ngừa ung thư. Những chất chống oxy hóa này loại bỏ gốc tự do khỏi cơ thể, do đó ngăn ngừa sự hình thành và nhân lên của các tế bào ung thư.
Rau muống là món ăn có lợi trong phòng ngừa ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư da.
Giúp bổ mắt: Rau muống chứa hàm lượng carotenoid, vitamin A và lutein cao. Đây là những dưỡng chất quan trọng đối với mắt. Rau muống còn giúp cơ thể sản sinh glutathione - chất quan trọng ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể.
Giúp tăng cường miễn dịch cơ thể: Nhờ hàm lượng vitamin C dồi dào, rau muống là món ăn rẻ tiền giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài thúc đẩy xương phát triển khỏe mạnh, rau muống có công dụng thải độc cho cơ thể.
Giúp ngủ ngon hơn: Trong y văn, rau muống còn có tác dụng chữa viêm loét, giảm nhẹ đau bụng do kinh nguyệt, hỗ trợ giảm nhẹ đau răng, tiểu buốt, chảy máu cam ...
Trong y học cổ truyền, rau muống có tác dụng như thuốc an thần cho những người bị mất ngủ, khó ngủ.
Selen và kẽm trong rau muống có công dụng thư giãn thần kinh, mang lại cho bạn một giấc ngủ ngon.
Ăn rau muống giúp phòng ngừa bệnh ung thư |
Giúp trẻ hoá làn da: Nụ của rau muống được dùng làm thuốc đắp trị bệnh ngoài da như nấm ngoài da, nấm bàn chân ở vận động viên.
Ngoài ra, rau muống còn có công dụng ngăn ngừa ung thư da, hỗ trợ điều trị mụn trứng cá, bệnh chàm và bệnh vảy nến.
Giàu vitamin A, vitamin C, carotenoids và lutein, rau muống sẽ mang lại cho bạn một làn da trẻ trung, trắng sáng mịn màng. Hãy ăn rau muống thường xuyên để bổ sung những dưỡng chất thiết yếu cho làn da đẹp và rạng ngời.
Giúp chống lão hoá: Các loại rau lá xanh như rau muống rất giàu chất chống oxy hóa, ngăn ngừa tổn thương tế bào, giảm thiểu nếp nhăn ở mức độ đáng kể. Vì vậy, hãy thường xuyên ăn rau muống để ngăn ngừa và đẩy lùi quá trình lão hóa.
Giúp ngăn ngừa rụng tóc: Dinh dưỡng hợp lý là điều kiện tiên quyết để da đầu và mái tóc khỏe mạnh. Những chất dinh dưỡng có lợi trong rau muống có công dụng ngăn ngừa rụng tóc bên cạnh cải thiện kết cấu và chất lượng của sợi tóc.
Lưu ý khi sử dụng rau muống
Rau muống là loại rau rất tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên nều sử dụng không đúng cách thì có thể có tác dụng phụ, dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng rau muống:
Không nên chỉ rửa rau muống với nước lã: Vì rau muống được trồng tại khu vực ẩm ướt, gần ao, hồ. Do đó, rau muống thường chứa những ký sinh trùng, đặc biệt là ký sinh trùng sán lá ruột lớn có tên Fasciolopsis buski. Sán lá này có thể khiến bạn mắc các chứng khó tiêu, dị ứng và đau bụng. Vì vậy, bạn nên ngâm và rửa rau muống với nước muối trước khi chế biến rau muống.
Không nên chỉ rửa rau muống với nước lã |
Hạn chế ăn rau muống sống và tái: Bên cạnh việc ngâm rửa rau muống cùng nước muối, bạn nên ăn rau muống khi đã được nấu chín. Hạn chế ăn rau muống sống hoặc tái vì những ký sinh trùng sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể bạn. Ngoài ra, nếu rau muống bị phun quá nhiều hóa chất như thuốc trừ sâu, khi bạn ăn sống hoặc tái, lượng hóa chất đó có thể ngấm vào cơ thể.
Đậy kín nồi khi luộc rau: Vì trong rau muống có chứa nhiều chất có lợi và có hại khác nhau, nếu bạn đậy nắp nồi khi luộc, những chất có hại sẽ không thoát ra được và hấp thụ ngược lại. Những chất đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn và gia đình.
Hạn chế ăn rau muống trái mùa: Ngày nay, bạn có thể tìm mua rau muống một cách dễ dàng. Thế nhưng, theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Hòa, Phó giám đốc tại Trung tâm phát triển nông thôn bền vững, đã chia sẻ: Tỷ lệ sử dụng hóa chất khi trồng rau muống trái mùa dường như là 100%, nghĩa là rau muống khi trồng trái mùa sẽ khó có thể kiểm soát tốt được (trừ các cơ sở trồng rau sạch theo tiêu chuẩn). Vì thế, cơ thể bạn có thể hấp thụ phải những hoá chất độc hại khi ăn rau muống trái mùa, có khả năng gây ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng đến hệ thần kinh,….
Những người không lên ăn rau muống
Rau muống tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Dưới đây là một số người không thể ăn rau muống:
Người đang uống thuốc đông y: Những người đang uống thuốc mà có vị thuốc thục địa, sinh địa thì cần phải kiêng rau muống, vì trong rau muống có sắt phản ứng với thục địa và sinh địa làm chất độc có thể gây suy thận, độc hại với thận. Phần lớn các bài thuốc bắc đều có thục địa hoặc sinh địa.
Người bị viêm khớp: Theo như đông y, thì một số chất trong rau có thể khiến đau nhức khớp hơn. Tuy nhiên người bị loãng xương, huyết áp 90/60 mmHg, ăn rau muống vẫn tốt do hàm lượng canxi cao.
Người bị gout: Rau muống giàu đạm, không tốt cho người bệnh gout.
Người bị sỏi thận, dị ứng, tiêu chảy: Rau muống chứa hàm lượng oxalate cao, khi được hấp thụ vào cơ thể dễ kết tủa ở thận tạo sỏi. Những người bị sỏi thận, viêm nhiễm đường tiết niệu do suy thận, không nên ăn bởi thành phần trong rau muống có nhiều muối khoáng, canxi, kali.
Ngoài ra người dễ dị ứng, tiêu chảy cũng được khuyến cáo không nên ăn rau muống. Theo chuyên gia, ký sinh trùng Fasciolopsis buski có thể xâm nhập vào cơ thể khi ăn rau sống hoặc nấu chưa chín, gây khó tiêu, dị ứng, đau bụng.
Trên đây là một số thông tin về đặc điểm, cũng như tác dụng và cách sử dụng rau muống mà Tạp chí Thương hiệu và San phẩm cung cấp tới bạn đọc. Nhưng để sử dụng rau muống sao có hiệu quả nhất thì nên tham khảo thêm lời khuyên của các chuyên gia về y tế.