Đuối nước trẻ em: Nỗi ám ảnh vào mỗi mùa hè!
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì trung bình hàng năm ở Việt Nam có 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới WHO thì từ 2015 đến 2022 Việt Nam có 11.500 trẻ em tử vong do đuối nước. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và ở tốp đầu của thế giới .
Hình ảnh mang tính minh hoạ |
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâmnhư: - Do bản tính hiếu động, tò mò của trẻ. Trẻ em biết bơi hay không biết bơi nhưng do sự chủ quan nên đuối nước vẫn luôn là một nguy cơ tiềm ẩn.
- Hệ thống cảnh báo ở các ao, hồ, sông, suối, ngòi còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm của trẻ.
- Tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, làm lò gạch đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát… Và việc thiếu biển cảnh báo, không có hàng rào bảo vệ ở các công trình như vậy, cũng luôn là những nơi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước.
Hình ảnh hố nước do lấy đất làm gạch để lại |
- Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp như: Ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, khi bơi bị chuột rút rồi ngất đi…cũng là những nguyên nhân dẫn đến đuối nước .
- Chương trình dạy bơi, dạy kỹ năng phòng tránh đuối nước trong các trường học chưa thực sự được quan tâm.
- Trẻ chết đuối vì người lớn lơ là trong công tác quản lý trẻ, chưa giám sát trẻ chặt chẽ.
- Kiến thức phòng tránh, xử lý tình huống khi gặp người đuối nước và kiến thức sơ cứu của người dân còn hạn chế.
Hình ảnh ao không có biển cảnh báo |
Bài học về các cái chết thương tâm ở trẻ em thời gian gần đây càng cho thấy tính thời sự về đuối nước ở trẻ em vào những dịp hè đến lại càng cần phải chú trọng hơn bao giờ hết.
Để tránh những cái chết thương tâm của trẻ do đuối nước thì cần tăng cường các biện pháp sau:
Cần cho trẻ tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm như: Ao, hồ, sông, suối, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát. Vì đây là những nơi có nguy cơ cao về đuối nước với trẻ em, đặc biệt là các trẻ chưa biết bơi.
Khi cho trẻ em tắm ở biển,sông, ao thì cần phải mặc áo phao cho trẻ kể cả với trẻ biết bơi và phải có người lớn quản lý.
Mặc áo phao cho trẻ khi trẻ bơi dưới nước |
Đối với trẻ nhỏ luôn cần sự chăm sóc và giám sát chặt chẽ của người lớn, làm tường rào, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước trong gia đình.
Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ; tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để ý con trong tầm mắt.
Ngoài ra cha mẹ cần dạy trẻ em biết bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước, giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông suối khi không có sự canh chừng của người lớn.
Dạy bơi cho trẻ |
Đặc biệt đối nhà trường cũng cần dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục. Bên cạnh đó mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra trường hợp đuối nước.
Hướng dẫn sơ cứu đúng cách cho người bị chết đuối |
Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu.
Khi gặp tình huống người bị đuối nước, thì cách xử tình huống là vô cùng quan trọng.
Sau đây là một số lưu ý khi gặp tình huống gặp người bị đuối nước: - Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, đầu tiên là cần hô hoán để mọi người đến cứu giúp. Tuyệt đối không nhày xuống nước để cứu người bị đuối nước khi mình không biết bơi hoặc không có kỹ năng cứu người bị đuối nước.
- Nhanh chóng đưa nạn nhận lên mặt nước bắng cách là tìm các dụng cụ hỗ trợ như đưa sào, gậy, dây thừng, phao để kéo người bị nạn vào bờ. Hoặc có thể cùng mọi người cứu người bị nạn lên trên bờ.
- Khi đưa nạn nhân lên bờ cần đặt nạn nhân ở nơi thoáng khí, để có nhiều oxy.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực:
+ Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy thổi ngạt miệng qua miệng. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không; nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
+ Nếu thấy nạn nhân còn thở được, hãy đặt người bị đuối nước nằm nghiêng một bên để nôn hết nước ra bên ngoài .
- Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cho người bị đuối nước bằng cách đắp khăn ấm để giữ nhiệt.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước…
Phương pháp cứu nạn nhân khi bị đuối nước |
Mùa hè đã đến gần, những nguy cơ đuối nước ở trẻ em sẽ tăng cao hơn. Vì khi được nghỉ hè trẻ sẽ có nhiều thời gian vui chơi, trẻ thì thường tinh nghịch và rất thích gần các chỗ có nước như ao, hồ, sông ngòi … Đó luôn là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến đuối nước ở trẻ em. Những cái chết thương tâm của trẻ em do đuối nước trong thời gian gần đây càng là hồi chuông báo động đối với xã hội.
Hy vọng với những thông tin mà Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm cung cấp sẽ giúp bạn đọc trang bị cho mình những kiến thức về cách phòng tránh, cũng như cách xử lý tình huống khi gặp người bị đuối nước.
Tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước trẻ em |
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em |
Cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách ai cũng nên biết |