Chuyên gia chỉ cách nhận biết bột ngọt, hạt nêm và dầu ăn giả
Phát hiện công ty sản xuất lượng lớn dầu ăn bột canh và hạt nêm giả
Công an tỉnh Phú Thọ vừa tiến hành đột kích và khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất cùng kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tại Khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, TP Việt Trì. Qua điều tra, lực lượng công an phát hiện công ty này đã đưa ra thị trường 144 tấn dầu ăn, 118 tấn bột canh và 363 tấn hạt nêm giả.
![]() |
Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ (giữa) kiểm tra kho sản xuất. Ảnh: Công an cung cấp |
Trong quá trình làm việc, Nguyễn Văn Hưng, giám đốc công ty, đã khai nhận rằng nguyên liệu mì chính và dầu ăn được mua từ Công ty TNHH Thương mại Quang Thanh (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Sau khi nhận nguyên liệu, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tiến hành đóng gói các sản phẩm thành hai loại bao bì mang nhãn hiệu "Bột ngọt Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore" và "Bột ngọt Famimoto - nhãn hiệu bột ngọt hàng đầu Việt Nam, Công nghệ Nhật Bản".
Đối với dầu ăn, công ty sau khi mua nguyên liệu về, đã thực hiện quá trình chiết và đóng chai thành hai loại sản phẩm: "Dầu ăn thượng hạng Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore" và "Dầu thực vật Fami Gold – sản xuất từ 100% nguyên liệu nhập khẩu từ Singapore".
Ngoài ra, lãnh đạo Công ty TNHH Famimoto Việt Nam cũng khai nhận rằng nguyên liệu để sản xuất "Bột canh cao cấp Hà Nội" và "Hạt nêm Bếp Hồng Việt" được mua từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó được phối trộn theo tỷ lệ nhất định, trải qua các công đoạn như tạo hạt, sấy khô và đóng gói trong túi nilon.
Tất cả các sản phẩm trên, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đều tự công bố chất lượng sản phẩm.
![]() |
Các sản phẩm hàng giả bị thu giữ. Ảnh: Công an cung cấp |
Làm sao để nhận biết bột ngọt, hạt nêm và dầu ăn giả?
Theo Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, việc nhận biết bột ngọt, hạt nêm và dầu ăn giả là rất khó khăn. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu có thể giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm giả.
Đối với bột ngọt, nếu quan sát kỹ, hạt mì chính giả thường có hình dạng không đồng đều, cánh sắc và không vuông thành. Trong khi đó, hàng chính hãng thường có các mép dập đều nhau, mềm và mịn.
Với hạt nêm giả, sản phẩm thường sẽ nhái tên các thương hiệu nổi tiếng hoặc được bán theo dạng cân, không có bao bì rõ ràng. Nếu có in thông tin ngày tháng sản xuất, thì các chữ in này thường không rõ nét và khó đọc.
Cách nhận biết dầu ăn giả dễ dàng hơn so với các sản phẩm khác. Khi nấu, nếu dầu có mùi khét, đó là dấu hiệu của dầu ăn kém chất lượng. Nếu bạn mua đồ chiên rán mà có mùi khét, tốt nhất không nên ăn. Một cách đơn giản để thử là lấy một ít dầu ăn, cho vào nồi cùng với nước và đun sôi. Khi nước bốc hơi, nếu có mùi khét, đó là dấu hiệu của dầu giả hoặc dầu kém chất lượng.
Ngoài ra, các loại thức ăn bán ở vỉa hè, chợ dân sinh hay hàng quán cũng có nguy cơ sử dụng dầu giả để giảm chi phí và đảm bảo lợi nhuận.
Để chọn gia vị nấu ăn an toàn, Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm từ những nhà sản xuất uy tín, có nhãn mác đầy đủ thông tin như tên sản phẩm, địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng và thành phần phụ gia. Đặc biệt, đối với thực phẩm nhập khẩu, nhãn phụ bằng tiếng Việt là bắt buộc để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Việc tiêu thụ hàng giả có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Người tiêu dùng ăn phải sản phẩm giả có thể gặp phải các triệu chứng như dị ứng, choáng váng, nhức đầu, và các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường không xuất hiện ngay lập tức, khiến người tiêu dùng khó nhận biết. Về lâu dài, việc sử dụng sản phẩm giả có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như suy gan, suy thận, ngộ độc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Đặc biệt đối với dầu ăn, Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh cho biết, sản phẩm dầu ăn kém chất lượng thường là dầu ăn tái chế. Việc sử dụng dầu ăn tái chế để chiên rán tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, trong đó có khả năng gây ung thư. Dầu ăn tái chế thường được thu gom từ các nhà hàng với số lượng lớn, sau đó được tái chế và bán ra thị trường. Trong quá trình chiên rán ở nhiệt độ cao, dầu này sẽ bị biến tính, sản sinh ra các chất có hại như transfat, aldehyde, và fatty acid oxide, tất cả đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Thời tiết cả nước dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 như thế nào?

Chuyên gia cảnh báo mối nguy hiểm khi dùng phải sữa giả

Phát hiện ca viêm màng não mô cầu đầu tiên tại Đồng Nai

Tự chữa bệnh bằng cây me đất, người phụ nữ bị suy thận cấp

Chạy Online - xu hướng thể thao thời đại số

Xử lý nghiêm sai phạm quảng cáo sữa và thực phẩm trên mọi nền tảng

Thêm 2 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi trong tuần qua

Ai không nên ăn hồng xiêm?

Những thói quen hằng ngày âm thầm làm hỏng răng của bạn
