Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm cần sơ cấp cứu ngay
Ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh dễ gây ngộ độc |
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 600 triệu ca bệnh được ghi nhận (gần 1/10 người dân số thế giới) và 420.000 người tử vong vì ngộ độc thực phẩm. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, ngộ độc thực phẩm chiếm 40% các trường hợp nhập viện, với 125.000 ca tử vong hàng năm.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây bệnh có trong thức ăn như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (hoặc độc tố của chúng). Theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%), độc tố tự nhiên (28,4%), hóa chất (4,2%),… và các nguyên nhân khác. Trong đó, ngộ độc thực phẩm do hóa chất gây ra có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính hoặc các bệnh lý diễn tiến trong thời gian dài như ung thư.
ThS.BS.CKI Nguyễn Ngọc Nhã Khanh – Bác sĩ khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TPHCM cho biết, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây bệnh có trong thức ăn như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (hoặc độc tố của chúng).
Biểu hiện cụ thể của ngộ độc thực phẩm tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây nên, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp bao gồm: Tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn ói, đau bụng, sốt. Trường hợp ngộ độc nặng có thể kèm theo các biểu hiện của mất nước (như khát nước, khô môi), nhiễm trùng (thường là sốt, vã mồ hôi) và nhiều biểu hiện phức tạp khác liên quan đến hệ thần kinh (đau đầu, chóng mặt), tim mạch (nhịp tim nhanh, truỵ mạch).
Vi khuẩn Clostridium botulinum Botulism) gây ngộ độc nặng |
Ngộ độc Botulism (gây ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum Botulism) là một dạng ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng hiện nay, được xem là tình trạng cấp cứu vì có thể gây liệt, thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời do độc tố Botulinum tấn công vào hệ thần kinh. Độc tố này thường được tìm thấy nhiều trong mật ong, thực phẩm không được bảo quản đúng cách (đóng hộp tại nhà) và thịt hun khói.
Triệu chứng điển hình nhất của tình trạng ngộ độc này là khó vận động cả hai bên mặt, xuống cổ và sau đó đến các phần còn lại của cơ thể. Các triệu chứng ở giai đoạn sớm có thể gặp bao gồm nhìn đôi hoặc nhìn mờ, sụp mí mắt, khó nuốt, nói đớt, khó thể. Một số triệu chứng không đặc hiệu khác như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Đặc biệt, khi thấy những triệu chứng diễn ra lâu ngày như rối loạn tiêu hóa kèo dài lâu hơn 2-3 ngày; đi ngoài ra máu; tiêu ra máu trong vòng 24 giờ; nghi ngờ ngộ độc botulism,… cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Thông thường, những bệnh phát sinh do thực phẩm thường tự khỏi trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, nếu thấy xuất hiện những biểu hiện bất thường như suy hô hấp, rối loạn ý thức, co giật, không thể gây nôn,… cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để thực hiện các bước xử lý cần thiết.
Trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 40% gánh nặng bệnh tật do thực phẩm |
Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra với bất cứ ai ngay sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Do đó, cần trang bị cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm để có thể nhanh chóng giúp đỡ bản thân hoặc ai đó khi không may gặp phải tình trạng này. Cần cho người bệnh nôn được càng nhiều càng tốt. Điều này giúp hạn chế chất độc có trong thực phẩm ngấm vào cơ thể, phát tán và gây hại.
Cho người bệnh nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Uống Oresol để bù nước cho người bệnh. Đặt người bệnh nằm ngửa, đầu thấp và quan sát người bệnh, nếu thấy tình trạng thở khó, cảm giác nghẹt thở thì nên dùng tay sạch kéo lưỡi người bệnh ra ngoài, tránh tụt vào trong, giúp người bệnh dễ thở hơn.
Sau khi tiến hành quy trình sơ cứu ngộ độc thực phẩm bao gồm các cách gây nôn, bù nước,… dù tình trạng người bệnh có dấu hiệu tỉnh táo, vẫn cần được đưa tới các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và tiến hành thực hiện các bước cấp cứu khi cần thiết.
Vụ ngộ độc nghiêm trọng tại Trường iSchool Nha Trang: 01 trường hợp tử vong, 21 trường hợp nặng |