8 loại thảo dược là "khắc tinh" của da khô ráp, nứt nẻ
Thời tiết chuyển biến đột ngột sang lạnh, khô của mùa đông thường khiến da chưa kịp thích nghi, từ đó da dễ bị mất nước, chất keo giàu lipid kết dính các lớp da cũng kém hiệu quả hơn. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến da bị nứt nẻ, thô ráp khi mùa đông đến, đặc biệt những người có làn da nhạy cảm hoặc dưỡng ẩm da không tốt.
Hơn nữa, nhiều người chủ quan cho rằng vào mùa đông trời không có nắng trực tiếp nên không có tia UV, từ đó không bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời như mùa hè. Thực tế, tia cực tím vẫn xuyên qua mây và hoạt động mạnh vào mùa đông, từ đó gây hại cho da, làm khô da nếu không được bảo vệ.
Theo BS. Ross Radusky, chuyên gia da liễu tại Mỹ, việc sử dụng nước nóng từ vòi hoa sen hoặc nước rửa bát cũng có thể làm giảm độ ẩm trên da, gây khô, nứt nẻ. Bên cạnh đó, da khô, nứt nẻ còn do tiếp xúc với chất kích ứng hóa học, do dùng thuốc như retinoids tại chỗ, mắc bệnh ngoài da như chàm, vẩy nến hay do bệnh thần kinh, đái tháo đường, nấm…
Để điều trị da khô nứt nẻ vào mùa đông, có hai phương pháp chính là dưỡng ẩm đầy đủ cho da và hạn chế tác nhân gây kích thích bằng cách sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm, uống nhiều nước, che chắn cẩn thận khi ra ngoài.
Ngoài ra, khi gặp phải tình trạng da bị khô, nứt vào mùa đông có thể tham khảo sử dụng một số loại thảo dược. Nhiều loại thảo dược không chỉ có tác dụng chữa lành các vấn đề về da mà chúng còn giúp cải thiện đáng kể độ săn chắc của tế bào và sức khỏe của da, dưỡng da, khắc phục tình trạng nứt nẻ da.
Neem
Đây là loại thảo dược được du nhập vào nước ta, được trồng chủ yếu Ninh Thuận, Bình Thuận.
Neem được biết đến với đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, kháng nấm, khử trùng và là một loại thảo mộc mang lại nhiều lợi ích làm đẹp do có tác dụng hỗ trợ chữa lành các vấn đề về da khác nhau như mụn nhọt, nhiễm trùng do vi khuẩn, mụn bọc, phát ban, mẩn ngứa…
Sử dụng bằng cách tắm lá neem, làm mặt nạ hay sử dụng tinh dầu…
Nghệ
Đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của nghệ giúp giữ cho làn da không bị mụn và nuôi dưỡng sâu cho da. Đặc tính khử trùng của nghệ có thể giúp giảm mụn trứng cá và có thể làm dịu các tình trạng da như bệnh trứng cá đỏ và bệnh chàm.
Bạn có thể thêm nghệ vào món ăn hoặc sử dụng các chế phẩm từ nghệ như bột nghệ, kem nghệ…
Bạc hà
Bạc hà được biết đến là loại thuốc lâu đời nhất trên thế giới để điều trị nhiều vấn đề về da. Bạc hà chứa nhiều axit béo omega 3 và vitamin A & C, giúp nuôi dưỡng làn da xỉn màu, làm giảm lượng dầu thừa từ da nhờn. Ngoài ra tinh dầu bạc hà có tác dụng làm mát da.
Sử dụng bạc hà bằng cách uống trà hay làm nước ép bạc hà…
Cỏ đuôi ngựa
Cỏ đuôi ngựa chứa nhiều silica giúp làn da trẻ trung và tươi sáng. Nó cũng chứa các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, giúp trì hoãn quá trình lão hóa.
Ngoài việc dùng dưới dạng trà, có thể dùng thảo mộc này để dưỡng ẩm da mặt bằng cách thấm ướt khăn mỏng hoặc miếng cotton vào nước trà và đắp lên mặt khoảng 20 phút.
Mùi tây
Mùi tây là một loại thảo mộc có thể cân bằng sản xuất dầu, giảm viêm và ngăn ngừa sự đổi màu da. Loại thảo mộc có mùi thơm này có thể chống lại mụn trứng cá, làm mờ nếp nhăn.
Sử dụng bằng cách xay nhuyễn đắp lên da hoặc làm nước mùi tây… để dưỡng da.
Cúc vạn thọ
Cúc vạn thọ là loại thảo mộc hiệu quả nhất để chữa lành da nứt nẻ, kích ứng và viêm. Các đặc tính chống viêm, khử trùng và kháng khuẩn mạnh mẽ của thảo dược này đã được sử dụng để làm dịu các vấn đề về da khác nhau như phát ban, viêm da, chàm, vẩy nến, đồi mồi, rạn da và da sần sùi.
Sử dụng cúc vạn thọ bằng cách uống trà cúc vạn thọ, làm sinh tố, làm mặt nạ…để tăng dưỡng chất cho da.
Nha đam
Do đặc tính chữa lành và làm dịu da, nha đam giúp tẩy tế bào chết trên da, phục hồi và giữ độ ẩm cho da. Sử dụng chiết xuất gel từ lá nha đam và thoa trực tiếp lên da để ngăn ngừa nứt nẻ da trong mùa đông.
Cúc la mã
Hoa cúc có chứa alpha-bisabolol, một hợp chất có thể làm giảm sự phát triển của các nếp nhăn nhưng lại thúc đẩy quá trình làm lành các kích ứng da như bỏng và mụn nhanh hơn. Tuy nhiên, thảo dược này có thể không phù hợp với làn da và cơ thể của tất cả mọi người. Vì vậy, nên sử dụng nó một cách thận trọng.
Cúc la mã có thể được uống dưới dạng trà hoặc sử dụng như một loại nước rửa mặt.
Bạn cũng cần lưu ý tránh các yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng nứt nẻ da như cạo râu bằng dao cạo cùn hoặc không có gel cạo râu, sử dụng khăn tắm khô cứng, sử dụng kem dưỡng da có chứa cồn, mặc quần áo làm trầy da, ngồi dưới nhiệt độ trực tiếp từ quạt sưởi hoặc lửa, ở ngoài trời gió mà không che chắn da…